Home / Văn mẫu / Lớp 11 / Phân tích nét đẹp của phong cảnh và tâm trạng của tác giả trong khổ thơ đầu

Phân tích nét đẹp của phong cảnh và tâm trạng của tác giả trong khổ thơ đầu

sao anh không về chơi thôn vĩ

loading...

I. Lời trách nhẹ nhàng và thiết tha “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”

Câu mở đầu: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” là câu hỏi nhưng lại gợi cảm giác như lời trách nhẹ nhàng và cũng là lời mời gọi thiết tha của cô gái thôn Vĩ với nhà thơ (hay đây cũng là lời nhà thơ tự trách mình, tự hỏi mình, là ước ao thầm kín của người đi xa được về lại thôn Vĩ). Ở đây câu thơ không dùng hai chữ “về thăm” có vẻ xã giao mà dùng hai chữ “về chơi” mang sắc thái thân mật, tự nhiên, chân tình hơn. Thực ra câu hỏi như vang lên từ một phương trời xa xôi ấy đã là duyên cớ để khơi dậy trong tâm hồn nhà thơ bao kỷ niệm sâu sắc, bao hình ảnh đẹp đẽ đáng yêu về xứ Huế, trước hết là về Vĩ Dạ, nơi có người mà nhà thơ thương mến và đẹp nhất là cảnh thôn Vĩ trong ánh bình minh.

Hai câu tiếp theo cho thấy trong hồi tưởng của mình, Hàn Mặc Tử không tả mà chỉ gợi những gì gây ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc còn lưu lại trong tâm tư người ở nơi xa. Do đó, câu thơ “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên” như phác qua cái nhìn từ xa tới, chưa đến Vĩ Dạ nhưng đã thấy những hàng cau thẳng tắp, cao vút, vượt lên trên những cây khác, những tàu lá cau lấp lánh ánh mặt trời buổi sớm mai. Đây là một quan sát rất tinh tế: cái đẹp của thôn Vĩ Dạ không phải chỉ do “nắng” hay do “hàng cau” mà là do “nắng hàng cau”, do sự hài hòa của ánh nắng vàng rực rỡ trên hàng cau tươi xanh. Đặt biệt, câu thơ có bảy chữ thì đã có hai chữ “nắng”, tưởng như Hàn Mặc Tử đã gợi đúng đặc điểm của nắng miền Trung: Nắng nhiều và ánh nắng chói chang, rực rỡ ngay từ lúc bình minh; không những thế Hàn Mặc Tử còn gợi được vẻ đẹp của nắng ở nơi đây, đó là ” nắng mới lên” thật trong trẻo, tinh khiết, có cảm giác ánh nắng ấy đã làm bừng sáng cả khoảng trời hồi tưởng của nhà thơ.

II. Vẻ đẹp thơ mộng của thôn Vĩ Dạ

Câu thơ “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” lại là cái nhìn thật gần của người như đang đi trong những khu vườn tươi đẹp của thôn Vĩ. Có thể coi cái thần thái của thôn Vĩ là vườn cây, vườn bao bọc quanh nhà, gắn với ngôi nhà thành một cấu trúc thẩm mỹ xinh xắn mà Xuân Diệu từng có cảm giác “giống như bài thơ tứ tuyệt” (Đường về miền Trung). Cũng vì là cấu trúc vườn – nhà nên vườn được chăm sóc chu đáo, những khóm hoa, cây cảnh vốn đã xanh tươi lại được những bàn tay khéo léo chăm sóc nên càng thêm đẹp thêm tươi. Ở đây chỉ với một chữ ” mướt”, Hàn Mặc Tử đã gợi được sự chăm sóc ấy, gợi được vẻ tươi tốt, đầy sức sống của vườn cây cũng như cái sạch sẽ, láng bóng của từng chiếc lá cây dưới ánh mặt trời. Còn câu thơ ” Vườn ai mướt quá” như lời cảm thán mang sắc thái ngợi ca; trong khi đó ” xanh như ngọc” là một so sánh thật đẹp gợi hình ảnh những lá cây xanh mướt, mượt mà được ” nắng mới lên”, cái ánh mặt trời rực rỡ buổi sớm mai chiếu xuyên qua trở nên có mầu xanh trong suốt và ánh lên như ngọc. Phải là một người có tình yêu thiết tha với thiên nhiên, với cuộc sống, có ân tình thật sâu sắc, đậm đà với thôn Vĩ mới lưu giữ được trong tâm tư những hình ảnh sống động và đẹp đẽ như thế.

Đến câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”, sự xuất hiện của con người càng làm cho cảnh vật thêm sinh động, có lẽ đó là chủ nhân của “vườn ai”. Tuy vậy, sự xuất hiện của con người thật kín đáo, rất đúng với bản tính của người Huế, vì chỉ thấy thấp thoáng sau những chiếc lá trúc là khuôn mặt chữ điền, khuôn mặt của người ngay thẳng, cương trực, phúc hậu theo quan niệm thời xưa. Ở đây, một lần nữa ta thấy sự tinh tế của ngòi bút Hàn Mặc Tử: trước khuôn mặt ấy, lá trúc phải ” che ngang” để tôn rõ thêm nét chữ điền. Với câu thơ này, Hàn Mặc Tử càng gợi rõ hơn cái thần thái thôn Vĩ: cảnh xinh xắn, người phúc hậu, thiên nhiên và con người hài hòa với nhau trong một vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng.

Bình luận cho bài viết

Nhận xét

Có thể bạn quan tâm

Phân tích bài thơ đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mạc Tử

Nhắc tới Hàn Mặc Tử không thể không nhắc tới bài thơ “Đây thôn Vĩ …