Câu hỏi:
Trình bày giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”?
Trả lời
a. Giá trị hiện thực :
– Tác phẩm tố cáo chế độ phong kiến, chúa đất đã bóc lột con người dưới hình thức cho vay nặng lãi, buộc người lao động nghèo khổ vào vòng nô lệ; tố cáo sự chà đạp lên tình yêu, hạnh phúc và phẩm giá con người, gắn con người vào vòng mê tín thần quyền làm cho họ phải bất lực, cam chịu.
– Không chỉ dừng ở chỗ tố cáo sự áp bức, bóc lột mà sâu hơn, Tô Hoài còn nói lên sự thực có tính quy luật: con người bị áp bức cứ nhẫn nhục chịu đựng kéo dài đến lúc nào đó thì dường như bị tê liệt tinh thần phản kháng và mặt khác, đến lúc nào đó, khi sự ý thức về quyền sống trỗi dậy, thì sức sống tiềm tàng cũng mạnh mẽ, kỳ diệu.
– Tác phẩm còn miêu tả một cách cô đọng nhưng sinh động quá trình trưởng thành, vấn đề khát vọng tự do, hạnh phúc của nhân dân miền núi và con đường giải phóng của họ. Bức tranh thiên nhiên và những phong tục, tập quán được nhà văn tái hiện chân thật; ngôn ngữ giàu chất tạo hình…
b. Giá trị nhân đạo :
– Cùng với sự tố cáo là lòng xót thương, cảm thông vô hạn của Tô Hoài đối với nhân dân lao động miền núi, đặc biệt là người phụ nữ, những kiếp đời bi kịch đang chết dần, chết mòn vì đau khổ. Nhà văn hướng ngòi bút vào sự ảm đạm, đen tối nhưng để hướng vào phía sự sống và ánh sáng tâm hồn của con người, ca ngợi vẻ đẹp và sức mạnh tinh thần của họ. Hiện thực dù đen tối nhưng không thể huỷ diệt được mầm sống tiềm tàng.
– Ngòi bút Tô Hoài thấm nhuần tinh thần nhân đạo thể hiện trong niềm tin, sự trân trọng đối với khát vọng sống trong sạch, lương thiện, giàu tình người của những con người bị đoạ đày, lăng nhục, khát khao tìm đến ánh sáng của cuộc đời mới; Tô Hoài đã thấy được bước chuyển biến sâu sắc trong con người Mỵ và A Phủ xuất phát từ lòng nhân ái và sự đồng cảm số phận để vươn lên hành động tự cứu mình, cứu người, tự giải phóng mình khỏi ách nô lệ.