Đề bài:
Về nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, có ý kiến cho rằng: Huấn Cao là một nghệ sĩ tài hoa và là một người anh hùng có khí phách hiên ngang, bất khuất. Ý kiến khác lại khẳng định: Huấn Cao là người có thiên lương trong sáng.
Từ cảm nhận hình tượng Huấn Cao, hãy bình luận những ý kiến trên.
Gợi ý làm bài
1. Vài nét về tác giả, tác phẩm
– Nguyễn Tuân (1910 – 1987) là nhà văn rất mực tài hoa, uyên bác. Ông sáng tác cả hai giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám.
– Chữ người tử tù in trong tập Vang bóng một thời(1940) là truyện ngắn xuất sắc kết tinh tài năng của Nguyễn Tuân. Tác phẩm xây dựng thành công hình tượng nhân vật Huấn Cao, từ đó gửi gắm quan niệm tiến bộ của nhà văn về cái đẹp.
2. Giải thích ý kiến
– Nghệ sĩ là người có rung động tâm hồn mãnh liệt trước mọi vui buồn của cuộc sống, tạo vật và khả năng thể hiện những rung động ấy bằng các phương tiện nghệ thuật đặc thù. Người nghệ sĩ tài hoa là người nghệ sĩ có tài năng xuất chúng. Người anh hùng có khí phách hiên ngang, bất khuất là người có bản lĩnh, chí khí, không sợ cường quyền, dám đứng lên chống lại bạo ngược để bảo vệ lẽ phải, cái thiện.
– Người có thiên lương trong sáng là người có lòng tốt tự nhiên, thuần khiết. Đây là hai nhận xét khái quát về các khía cạnh khác nhau tạo nên vẻ đẹp lý tưởng ở nhân vật Huấn Cao: tài hoa, khí phách, thiên lương.
3. Cảm nhận hình tượng nhân vật Huấn Cao và bình luận về các ý kiến
a. Cảm nhận hình tượng nhân vật Huấn Cao
* Huấn Cao – nghệ sĩ tài hoa
– Huấn Cao là nghệ sĩ trong nghệ thuật thư pháp. Ông nổi tiếng khắp vùng tỉnh Sơn về tài viết chữ nhanh và đẹp, nó nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người.
– Chữ Huấn Cao trở thành niềm đam mê, khao khát của quản ngục. Viên quản bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng, kiên trì, công phu, dũng cảm xin bằng được chữ của Huấn Cao. Những nét chữ vuông vắn, tươi tắn mà Huấn Cao cho quản ngục trong nhà lao có thể đẩy lùi bóng tối, chiến thắng sự tàn bạo, xấu xa.
* Huấn Cao – người anh hùng có khí phách hiên ngang
– Ở ngoài đời, Huấn Cao là người đứng đầu bọn phản nghịch, dám hiên ngang chống lại triều đình.
– Trong những ngày ở nhà lao, Huấn Cao vẫn giữ được phong thái hiên ngang, chính trực, thản nhiên khi nghe tin mình bị ra pháp trường và đường hoàng, lẫm liệt dậm tô nét chữ trên phiến lụa óng.
* Huấn Cao- con người có thiên lương trong sáng
– Sinh thời, Huấn Cao không bao giờ ép mình cho chữ vì vàng ngọc hay quyền thế.
– Khi hiểu ra tấm lòng biệt nhỡn liên tài của quản ngục, Huấn Cao xúc động, vui lòng cho chữ và nói những lời khuyên với quản ngục như một người tri âm.
* Nghệ thuật xây dựng nhân vật
– Xây dựng tình huống giàu kịch tính, thủ pháp nghệ thuật đối lập tương phản; ngôn ngữ vừa cổ điển, vừa hiện đại, bút pháp giàu chất tạo hình.
– Khả năng phân tích sâu sắc diễn biến nội tâm nhân vật; đặt nhân vật trong mối quan hệ đối sánh với các nhân vật khác.
b. Bình luận về các ý kiến
– Hai ý kiến nhận xét về nhân vật Huấn Cao đều chính xác. Mỗi ý kiến đề cập đến một khía cạnh của nhân vật, tuy khác nhau nhưng lại có mối liên hệ mật thiết, bổ sung cho nhau để cùng khẳng định vẻ đẹp lý tưởng của hình tượng Huấn Cao: tài hoa nghệ sĩ, khí phách hiên ngang, thiên lương trong sáng.
– Qua hình tượng nghệ thuật Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã thể hiện quan niệm thẩm mĩ của mình: cái tài gắn liền với cái tâm, cái đẹp gắn liền với cái thiện.