Home / Văn mẫu / Lớp 12 / Tìm hiểu bài thơ Sóng – Xuân Quỳnh

Tìm hiểu bài thơ Sóng – Xuân Quỳnh

Tác giả

loading...

Xuân Quỳnh (1942-1988). Nhà thơ nữ hiện đại, viết rất hay, rất nồng nàn về thơ tình. Những bài thơ hay nhất của chị: “Mùa hoa doi”, “Bao giờ ngâu nở hoa”, “Hoa cúc”, “Sóng”, “Thuyền và biển”, v.v… Tác phẩm “Chồi biếc” (1963), “Hoa dọc chiến hào” (1968), “Gió Lào cát trắng” (1974), “Lời ru trên mặt đất” (1978), “Sân ga chiều em đi” (1984), “Hoa cỏ may” (1989).

Xuất xứ

Bài thơ “Sóng” được Xuân Quỳnh viết vào ngày 29/12/1967, lúc nhà thơ 25 tuổi. Bài thơ rút trong tập “Hoa dọc chiến hào” tập thơ thứ 2 của chị.

Chủ đề

Tình yêu là sóng lòng, là khát vọng, là niềm mong ước được yêu, được sống hạnh phúc trong một mối tình trọn vẹn của lứa đôi.

Những điều cần biết, cần nhớ

1. Hình tượng “Sóng”

Ca dao có Thuyền nhớ bến, bến đợi thuyền. Một tình yêu đằm thắm, thiết tha. Xuân Diệu có bài thơ nổi tiếng, trong đó Sóng là hình ảnh người con trai đa tình “Anh xin làm sóng biếc – Hôn mãi cát vàng em – Hôn thật khẽ, thật êm – Hôn êm đềm mãi mãi – Đã hôn rồi, hôn lại – Cho đến mãi muôn đời – Đến tan cả đất trời – Anh mới thôi dào dạt…”

Trong bài thơ tình của Xuân Quỳnh, Sóng là hình ảnh thiếu nữ đang sống trong một tình yêu nồng nàn. Sóng lúc thì “dữ dội và dịu êm”, có khi lại “ồn ào và lặng lẽ”. Hành trình của sóng là từ sông “Sóng tìm ra tận bể”. Sóng bể muôn trùng, tình yêu vô hạn. Sóng nhớ bờ còn em thì “nhớ đến anh – cả trong mơ còn thức”. Sóng “con nào chẳng tới bờ…” cũng như tình yêu sẽ cập bến hạnh phúc. Và sóng sẽ tan ra trên đại dương, vỗ mãi đến ngàn năm, muôn đời. Cũng như tình yêu đẹp sống mãi trong lòng người và cuộc đời, đó là “biển lớn tình yêu”. Xuân Quỳnh lấy hình tượng Sóng để thể hiện một tình yêu sôi nổi chân thành và dạt dào khát vọng.

2. Tâm tình thiếu nữ

– Với thiếu nữ, tình yêu là khát vọng:

“Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”

– Mối tình đầu chợt đến. Hạnh phúc đã cầm tay, thiếu nữ vẫn ít nhiều bối rối, tự hỏi lòng. Trong trắng và ngây thơ. Sự kỳ diệu của những mối tình đầu, xưa và nay vẫn là một điều bí ẩn đối với lứa đôi:

“Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau”…

– Yêu lắm nên nhớ nhiều. “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi…” (Ca dao). “Nhớ gì như nhớ người yêu” (Tố Hữu). Với Xuân Quỳnh thì nỗi nhớ anh của em là triền miên, và cũng tha thiết, lớp lớp tầng tầng, mãnh liệt, nồng nàn không bao giờ nguôi:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được.

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

“Thiếu nữ khát khao trong tình yêu, thủy chung trong tình yêu. Tâm tình trọn vẹn và hồn hậu dành tất cả cho người yêu: “Nơi nào em cũng nghĩ – Hướng về anh – một phương”

– Cũng như sóng ngoài đại dương “Con nào chẳng tới bờ – Dù muôn vời cách trở”, thiếu nữ sẵn sàng vượt qua mọi thử thách để đi tới một tình yêu hạnh phúc trọn vẹn “Như biển kia dẫu rộng – Mây vẫn bay về xa”.

– Tình yêu lứa đôi thật sự hạnh phúc khi tình yêu ấy hòa nhịp trong “biển lớn tình yêu” của cộng đồng:

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”

3. Kết luận

Bài thơ “Sóng” là một bài thơ tình rất hay và mới. Hay ở nhạc điệu bồi hồi, thiết tha, say đắm. Hay ở hình ảnh kép: Sóng nhớ bờ, em nhớ anh, em yêu anh. Nói tình yêu là khát vọng của tuổi trẻ, đó là một điểm nới. Thiếu nữ bày tỏ tình yêu, thể hiện một ước mong chân thành đi tới một tình yêu đằm thắm, thủy chung, đó cũng là điểm mới. Tình yêu của lứa đôi không bé nhỏ và ích kỷ, tình yêu của lứa đôi như con sóng nhỏ được “tan ra” – giữa “biển lớn tình yêu” của đồng loại; đó cũng là một điểm mới nữa.

 

Bình luận cho bài viết

Nhận xét

Có thể bạn quan tâm

Ý nghĩa nhan đề bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

– “Sóng” là hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, …