Home / Văn mẫu / Lớp 12 / Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

A. TÁC GIẢ

loading...

– Nguyên Ngọc – Nguyễn Trung Thành tên thật là Nguyễn Văn Báu. Ông vốn là nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp với tiểu thuyết nổi tiếng Đất nước đứng lên. Đó là ngòi bút gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, có nhiều thành tựu nhất khi viết về Tây Nguyên.

B. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Hoàn cảnh sáng tác: Truyện ngắn Rừng xà nu được viết vào mùa hè năm 1965, khi đế quốc Mĩ đổ quân ồ ạt vào miền Nam nước ta. Tác phẩm in lần đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ giải phóng (số 2/1965). Sau in trong tập Truyện và kí Quê hương những anh hùng Điện Ngọc (1969). Rừng xà nu mang đậm chất sử thi, viết về những vấn đề trọng đại của dân tộc; nhân vật trung tâm mang những phẩm chất chung tiêu biểu cho cộng đồng; giọng điệu ca ngợi, trang trọng, hào hùng.

2. Hình tượng cây xà nu – rừng xà nu:

Đây là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà văn. Hình tượng cây xà nu – rừng xà nu nổi bật, xuyên suốt tác phẩm, vừa mang ý nghĩa thực, vừa mang ý nghĩa tượng trưng.

a. Cây xà nu được miêu tả cụ thể, gắn bó với con người Tây Nguyên

– Cây xà nu hiện lên trong tác phẩm trước hết như một loài cây đặc thù, tiêu biểu của miền đất Tây Nguyên. Mở đầu và kết thúc tác phẩm cũng bằng hình ảnh cây xà nu => Cây xà nu, rừng xà nu như chính dân làng Xô Man, như người Tây Nguyên nơi núi rừng trùng điệp.

– Cây xà nu gắn bó thân thiết với cuộc sống người dân Tây Nguyên trong sinh hoạt hằng ngày, trong kí ức của người Xô Man, trong đấu tranh chống giặc; là lá chắn bảo vệ làng Xô Man trước đạn pháo của giặc…

b. Cây xà nu tượng trưng cho phẩm chất và số phận con người Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mĩ.

– Thương tích mà rừng xà nu gánh chịu do đại bác của kè thù gợi nghĩ đến những mất mát, đau thương mà đồng bào làng Xô Man đã phải trải qua trong thời kì cách mạng miền Nam bị khủng bố khốc liệt.

– Trong bom đạn, chiến tranh thương tích đầy mình cây xà nu vẫn hiên ngang vươn lên mạnh mẽ như người dân Tây Nguyên kiên cường bất khuất, không khuất phục trước kẻ thù.

– Cây xà nu rắn rỏi, ham ánh mặt trời tựa như người Xô Man chân thật, mộc mạc, phóng khoáng, yêu cuộc sống tự do.

– Rừng xà nu bạt ngàn, rừng xà nu trùng trùng lớp lớp các thế hệ nối tiếp cũng là thể hiện sự gắn bó, sức mạnh đoàn kết và sự nối tiếp bất tận của các thế hệ, gợi liên tưởng đến sức sống vô tận, bền bỉ, bất diệt của con người Xô Man (Chú ý kết cấu vòng tròn: Mở đầu, kết thúc là hình ảnh của rừng xà nu, cùng với sự trở về của Tnú sau ba năm xa cách).

– Rừng xà nu tạo thành một bức tường vững chắc hiên ngang trước bom đạn cũng là biểu trưng cho sức mạnh đoàn kết của người dân Tây Nguyên khiến kẻ thù phải khiếp sợ.

c. Kết luận:

– Cây xà nu tượng trưng cho số phận đau thương và phẩm chất anh hùng của người dân làng Xô Man nói riêng cũng như nhân dân Tây Nguyên nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

– Được xây dựng với cảm hứng sử thi hoành tráng, bút pháp lãng mạn.

– Kết tinh giá trj tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm.

3. Hình tượng nhân dân làng Xô Man: Được miêu tả tương ứng với rừng cây xà nu qua nhiều thế hệ, thể hiện sự tiếp nối và trưởng thành của nhân dân Tây Nguyên trong sự nghiệp chống Mĩ cứu nước.

a. Cụ Mết:

– Là thế hệ đi trước, tham gia chống giặc từ thời chống Pháp

– Là cây xà nu đại thụ của làng Xô Man (được miêu tả qua dáng vẻ, cách nói, bản lĩnh, tấm lòng yêu thương đối với dân làng, đối với quê hương,…)

Hình ảnh biểu tượng cho sức mạnh tinh thần có tính truyền thống, cội nguồn của các dân tộc Tây Nguyên.

– Là linh hồn của cuộc chiến đấu, là gạch nối giữa Đảng và dân làng đến với cách mạng; vững vàng, gan góc trong đấu tranh; yêu thương chăm sóc thế hệ tương lai; yêu quê hương, tự hào về quê hương của mình…)
Cụ Mết tiêu biểu cho thế hệ già làng trong cuộc đấu tranh của dân tộc.

b. Nhân vật Tnú: Được tác giả tâp trung khắc họa tính cách lẫn số phận, mang ý nghĩa tiêu biểu cho số phận và con đường giải phóng của nhân dân Tây Nguyên.

*Số phận:

– Nhỏ: mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống nhờ vào cự cưu mang đùm bọc của dân làng.

– Trưởng thành: Số phận của Tnú giống như số phận của người làng Xô Man:

+ Có gia đình, vợ, con nhưng đều bị giặc sát hại dã man.

+ Bản thân Tnú cũng mang thương tích trên thân thể – hậu quả của những đòn tra tấn của kẻ thù: tấm lưng lằn ngang dọc, bàn tay cụt mười ngón.

*Phẩm chất:

– Là một chú bé gan góc, táo bạo, trung thực, trung thành với cách mạng (giặc khủng bố dã man vẫn cùng Mai hăng hái vào rừng nuôi cán bộ, quyết tâm học tập để làm cán bộ, gan dạ dũng cảm khi làm giao liên, bị giặc bắt, tra tấn, quyết không khai, chỉ tay vào bụng Cộng sản ở đây…).Khi lớn lên, Tnú trở thành người lãnh đạo dân làng Xô Man bình tĩnh vững vàng chống Mĩ Diệm.

– Yêu thương vợ con, dân làng và quê hương (chứng kiến cảnh vợ con bị kẻ thù hành hạ, biết là thất bại, anh vẫn xông ra cứu. Xa làng Tnú nhớ làng, nhớ âm thanh vfa nhịp điệu sinh hoạt của làng; khi về, anh nhớ tất cả mọi người…).

– Biết vượt lên mọi đau đớn và bi kịch cá nhân để dũng cảm chiến đấu, trả thù cho quê hương và gia đình (Khi xông ra cứu vợ con, anh bị bắt đốt mười đầu ngón tay, Tnú quyết không kêu van à tiếng thét của anh trở thành hiệu lệnh cho dân làng giết giặc. Dù mất vợ con, dù hai bàn tay mỗi ngón chỉ còn hai đốt, Tnú vẫn nén đau thương, tham gia lực lượng vũ trang để góp phần giải phóng quê hương…).

– Có tinh thần kỉ luật cao: Ba năm đi bộ đội, dù nhớ làng nhưng được phép cấp trên mới dám về thăm làng. Khi được về thăm làng, dù rất lưu luyến song anh chấp hành đúng qui định, ở lại một đêm rồi đi…

*Tác giả đặc biệt miêu tả đôi bàn tay của Tnú, gây ấn tượng sâu sắc và đậm nét, qua đó hiện lên cả cuộc đời và tính cách nhân vật (bàn tay khi còn lành lặn là bàn tay trung thực, nghĩa tình: Cầm phấn học chữ, cầm đá mài giáo, đặt lên bụng khi bị tra tấn, cầm tay Mai; với hai bàn tay không xông ra cứu vợ – Bàn tay bị giặc đốt cụt, trở thành mười ngọn đuốc trở thành chứng tích tội ác của kẻ thù – Bàn tay còn hai đốt vẫn cầm được súng để bảo vệ quê hương…).

Tóm lại:

– Tnú là nhân vật có tính sử thi: số phận và phẩm chất của anh ta tiêu biểu cho con người Xô Man nói riêng và nhân dân Tây Nguyên nói chung.

– Cảm hứng, giọng điệu chủ đạo là ca ngợi.

– Làm phong phú thêm chân dung con người Việt Nam anh hùng trong kháng chiến chống Mĩ.

c. Dít:

Cùng với Tnú là đại diện cho thế hệ thanh niên, là lực lượng chiến đấu chính của dân làng – những cây xà nu đã trưởng thành.

– Phẩm chất gan dạ, dũng cảm.

– Tôn trọng kỉ luật.

d. Bé Heng:

Đại diện cho thế hệ măng non sẵn sàng tiếp bước cha anh. Rất háo hức tham gia đánh giặc, rất thông thuộc, tự hào về trận địa của dân làng.

Tóm lại: Các thế hệ nhân dân Xô Man tiếp nối trong cuộc chiến đấu, càng về sau càng lớn mạnh. Nhà văn đã xây dựng được hệ thống nhân vật tiêu biểu, có tác dụng làm nổi bật chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mĩ.

4. Nghệ thuật: Đặc sắc, đậm đà chất sử thi hùng tráng. Chất sử thi toát lên qua đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, hình ảnh thiên nhiên, các chi tiết nghệ thuật, giọng điệu, ngôn ngữ qua tác phẩm:

+ Đề tài, xung đột có ý nghĩa lịch sử: sự vùng dậy của dân làng Xô Man chống Mĩ Diệm.

+ Bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, hoành tráng. Rừng xà nu làm nền cho bức tranh về cuộc đấu tranh chống giặc (cả rừng…ào ào rung động, lửa cháy khắp rừng).

+ Các nhân vật tiêu biểu được miêu tả trong bối cảnh trang nghiêm, hùng vĩ, vừa mang phong cách Tây Nguyên vừa mang phẩm chất anh hùng thời đại.

+ Giọng điệu, cảm hứng: chuyện về sự nổi dậy của dân làng và cuộc đời Tnú được kể lại trong đêm anh về thăm làng, qua lời cụ Mết, bên bếp lửa bập bùng – Giọng kể trang trọng như truyền cho thế hệ con cháu những trang sử bi thương và anh hùng của cộng đồng. Chuyện về thời hiện tại được kể bằng giọng điệu và cảm hứng ngợi ca.

C. KẾT LUẬN:

Tác phẩm đã khắc họa được tập thể nhân dân anh hùng, gắn bó với nhau trong thời đại anh hùng, vừa mang dấu ấn của thời đại chống Mĩ, vừa mang phóng cách của núi rừng Tây Nguyên.

Bình luận cho bài viết

Nhận xét

Có thể bạn quan tâm

Phân tích hình tượng nhân vật Tnu trong tác phẩm Rừng Xà Nu của Nguyễn Trung Thành

Phân tích hình tượng nhân vật Tnu trong tác phẩm Rừng Xà Nu của Nguyễn …