Đề bài:

loading...

Anh ( chị ) hãy phân tích đoạn thơ sau đây trích trong bài Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu:

“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.
Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi …
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô”

(Ngữ văn 12, tập một, tr 110-111, NXBGD Việt Nam, năm 2010 )

Dàn bài gợi ý

*Mở bài:

– Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ ký kết, miền Bắc nước ta được giải phóng. Tháng 10 năm 1954 các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội , nhân sự kiện thời sự có tính lịch sử ấy, Tố Hữu sáng tác bài thơ Việt Bắc. Bài thơ viết theo thể lục bát có 150 câu.

– Đoạn thơ phân tích trích từ câu 25 đến câu 36, thể hiện nỗi nhớ sâu nặng của nhà thơ đối với thiên nhiên, con người và cuộc sống ở Việt Bắc.

*Thân bài:

Phân tích giá trị nội dung

– Nỗi nhớ những cảnh vật đơn sơ ở Việt Bắc : một nỗi nhớ khó diễn tả , nhưng rất tha thiết sâu nặng như nhớ người yêu:

Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương

+ Nỗi nhớ cụ thể gắn liền với từng cảnh, từng “bản khói” , từng “rừng nứa bờ tre” , “ngòi Thia” , “sông Đáy”, “suối Lê” , những địa danh quen thuộc, bình dị, nhưng rất nên thơ ở Việt Bắc:

“Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy .”

+ Và trong cảnh thấp thoáng bóng dáng con người với những sinh hoạt thường nhật lam lũ nặng ân tình của Việt Bắc:

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về. ”

– Nhớ con người Việt Bắc:

+ Trước hết là nhớ nhân dân cùng chia ngọt sẻ bùi, cưu mang cán bộ, bộ đội trong thời kháng chiến thiếu thốn, gian khổ.

Đó là những tình cảm thắm thiết, sự đồng cam cộng khổ của đồng bào Việt Bắc dành cho người cán bộ.

Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi …
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng. ”

+ Kế đến là hình ảnh bà mẹ Việt Bắc hiện lên thật cảm động:

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô .”

Cảnh và người Việt Bắc trở thành kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc, đẹp đẽ không thể phai mờ trong tâm trí người cán bộ khi trở về xuôi.

Phân tích giá trị nghệ thuật:

+ Đoạn thơ được tác giả vận dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát. Âm điệu ngọt ngào, đằm thắm như ca dao.

+ Cách lựa chọn hình ảnh rất gần gũi với cuộc sống thường nhật có tác dụng khắc sâu nỗi nhớ đối với người về.

+ Từ ngữ đoạn thơ có sức gợi cảm mạnh mẽ, nghệ thuật điệp từ, điệp cấu trúc câu càng làm tăng sự da diết trong nỗi nhớ.

*Kết bài:

– Đoạn thơ đã tái hiện lại giai đoạn gian khổ của cuộc kháng chiến với biết bao kỷ niệm đẹp đẽ, thiêng liêng sâu nặng nơi núi rừng Việt Bắc qua nỗi nhớ của người về Thủ đô, trong đó có nhà thơ Tố Hữu.

– Qua đoạn thơ này ta thấy được một số nét tiêu biểu của giọng điệu và phong cách thơ Tố Hữu. Đoạn thơ có tác dụng bồi dưỡng thêm tình cảm đẹp cho người đọc.