Home / Văn mẫu / Lớp 10 / Phân tích bài thơ độc tiểu thanh kí – Nguyễn Du

Phân tích bài thơ độc tiểu thanh kí – Nguyễn Du

I. Sự rung cảm trước những vận mệnh bất hạnh của Nguyễn Du

Phân tích bài thơ độc tiểu thanh kí

loading...

Đọc những tác phẩm của Nguyễn Du, không thể nào không cảm nhận những giọt nước mắt khi đau đớn, khi xót xa, căm giận…của nhà thơ đa tình này. Đặc biệt trong Truyện Kiều thì dường như thi hào đầm đìa giọt thương như một nhà thơ đã thấy “Tố Như ơi lệ chảy quanh thân Kiều”. Sự rung cảm trước những vận mệnh bất hạnh đã là một “đặc tính” của Nguyễn Du khi ông sáng tạo các tác phẩm để đời. Độc Tiểu Thanh Kí, một bài thơ đã thực sự trở thành tiếng lòng nức nở hồn thơ nhạy cảm Tố Như./

Câu chuyện về nàng Tiểu Thanh có tài mà bạc mệnh đã là mối thương tâm cho những ai yêu mến nàng. Song dường như người hiểu nàng nhất, thương nàng nhất không ai khác mà chính là Nguyễn Du, dù thi hào đất Việt cách xa hàng nghìn trùng không gian và thời gian. Ông không khóc nàng bằng tiếng khóc thường tình, nhỏ một vài giọt lệ rồi quên ngay mà khóc bởi một trái tim quặn thắt, đau xé tâm can. Trong khi khóc Tiểu Thanh, ông cũng đã khóc cho chính mình.

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Ba trăm năm từ khi Tiểu Thanh qua đời, Nguyễn Du mới biết nàng và khóc cho nàng. Thế còn 300 năm sau, có ai còn nhớ đến ông mà khóc hay không? Cái sự “ thấy người ngẫm ta” ấy thực là đau xót làm sao. Những người theo đuổi nghiệp văn ấy nhạy cảm lắm, hay đau lắm, họ khóc cho người và cũng khóc luôn cho mình. Mà có gì đâu, chỉ là những chuyện rất thường.

Tây Hồ hoa uyển tận thành khư
(Vườn hoa bên Tây Hồ đã thành gò hoang rồi).

Sự chuyển biến của vũ trụ là quy luật ngàn đời, những người đa cảm nhìn thấy sự chuyển biến lạnh lung ấy của đất trời thì cảm thấy hết sức đau đớn, xót xa. Khung cảnh điêu tàn, lạnh lẽo của Tây Hồ là khoảng không gian gợi sầu, gợi cảm và làm động mối thương tâm cho nhà thơ nhiều lắm, nhất là khi đang đọc những phần dư cảo hết sức thương tâm của người con gái bạc mệnh Tiểu Thanh.

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
(Chỉ viếng nàng qua một một tập sách đọc trước cửa sổ).

Cái sự gặp gỡ này hết sức tình cờ nhưng nó như là mối lương duyên. Người xa lạ này chỉ mới nếm chút dư vị xót xa nàng thôi nhưng trong tâm tư đã dâng lên khối tình cảm rất lớn với con người tài hoa bạc mệnh.

Trước hết là đau cho người tài hoa chết trẻ, sau là cho nghiệp văn chương và cuộc đời tàn nhẫn đã giết chết những tâm hồn. Bản dịch là “ Thổn thức bên trong mảnh giấy tàn” để lại được cái tình của con người đa cảm này. Ông đã khóc tự trong lòng.

II. “Thần cú” khái quát cuộc đời đau khổ của Tiểu Thanh – Độc tiểu thanh kí

Chi phấn hữu thần tiên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư

( Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết . Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở).

Hai câu thơ này là “ thần cú” đã khái quát được cả một cuộc đời đau khổ của Tiểu Thanh. Hình ảnh “son phấn” ước lệ khi nói về người con gái là cách nói đẹp nhất, yêu thương và quý trọng nhất. Người đẹp thường như hoa,nàng đã phải chịu sự ghen tuông thái quá, phải sống trong sự cô đơn lạnh lung trong tuổi thanh xuân đang hứa hẹn nhiều hương sắc cho đời. Lúc chết đi, những tưởng người ta sẽ tha cho người con gái tội nghiệp này, thế mà đau đớn thay…sự ghen tuông mù quáng đến bệnh hoạn của người vợ đã giết chết nàng một lần nữa, chết trong nỗi đau đớn mà những suy nghĩ, tình cảm bị cấm đoán thì còn chăng một tình cảm nào nữa ngoài sự tàn nhẫn của đời người. Xót đau cho người bạc mệnh. Nguyễn Du càng thấm thía hơn, cay đắng hơn cho những tác phẩm văn chương của nàng “ Văn chương vô mệnh”, nó chỉ là tâm tư, tình cảm của người ta thổ lộ, là những gì quý giá nhất tình cảm nhất con người. Thế giới của văn chương và người đời hoàn toàn khác nhau, không thể nào hàn gắn cho văn chương cùng một số mệnh với người làm ra nó. Đó là một điều tất yếu xưa nay. Thế mà nàng Tiểu Thanh tội nghiệp đến cả những tác phẩm của mình cũng bị người đời ghen ghét đốt đi, tàn nhẫn và lạnh lung đến vô cùng. Còn gì đau đớn hơn thế nữa, xót xa hơn thế nữa. Nguyễn Du đã khóc cho nàng và bật lên những tiếng nói căm hờn.

Cổ kim hận sự thiên nan vấn
( Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được).

Cái hận này là hận cho sự lạnh lung, tàn nhẫn của đời người, hận cho thói true đùa của con tạo “ hận” “ nan” – cay lắm, xót lắm, mà đành kêu trời chứ biết làm thế nào bây giờ. Trời xanh thì khôn cùng vời vợi.

Có thể như đang thấy Nguyễn Du trong nước mắt vẫn cười một nụ cười chua đắng đến tận cùng tâm can. Khóc cũng vì một nỗi đau mà cười cũng là vì một nỗi đau. Còn gì ghê gớm hơn thế nữa? Ông khóc, ông cười cho Tiểu Thanh vì đồng thời, ông cũng nhận ra: Mình là ai?

Phong vận kì oan ngã tự cư
(Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lung vì nết phong nhã).

Ông tự xem mình là người cùng một hội với Tiểu Thanh, con người tài hoa bạc mệnh. Cuộc đời của Tiểu Thanh soi sáng tâm hồn của Nguyễn Du, ông thấm thía nỗi đau của khách văn chương đa tài đa nạn. Ông đau với nỗi đau biết mình không tránh khỏi cái sự nghiệt ngã của người cùng hội cùng thuyền giữa biển đời song gió. Nhưng chính nỗi đau ý thức được ấy lại rang buộc gắn kết ông sâu sắc, mạnh mẽ và xót xa hơn bao giờ hết bởi ông biết rằng đó chính là đường đời của mình. Mà con đường trước mắt thì vời vợi, ai biết được rằng ngày mai sẽ ra sao? Đau đớn tận đáy lòng, ông không khỏi kêu lên tiếng than của một trái tim đầy ắp nỗi sầu nhân thế.

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Một nỗi đau thật nhất, không hề giấu diếm, cả cuộc đời ông đã khóc cho người, còn ai hiểu và khóc cho trái tim ông hay không? Khóc cho Tiểu Thanh, ông không khỏi chạnh nghĩ về mình. Tâm lý thường tình của người đời là vậy, dường như bây giờ. Nguyễn Du mới thật sự thấy hết nỗi cô đơn của mình, khao khát muốn có người để chia sẻ cùng mình. Lời bộc bạch kết thúc bài thơ, kết thúc những liên tưởng của Nguyễn Du nhưng lại mở ra một thế giới cảm xúc trong lòng người đọc. Tựa như giọt nước mắt cuối cùng của Nguyễn Du, từ từ, nhỏ giọt vào tận đáy lòng.

Độc Tiểu Thanh kí – tiếng khóc của người đa tình Nguyễn Du dường như là một dự báo cho tiếng thơ nhân ái và cuộc đời bất hạnh của Nguyễn Du say này. Suốt đời ông khóc cùng người đời, nói lên tiếng nói cảm thương vô hạn cùng thân phận của người đời bằng trái tim xót đau và nhạy cảm. Và trong ông, cái day dứt ấy không bao giờ nguôi ngoai vẫn cứ còn bật lên tiếng khóc thầm, lặng lẽ ủ kín trong nỗi đau đớn, khắc khoải của nhân gian dài dặc.

Nguyễn Hoàng Phương ( Trường Quốc học – Huế).

 

Bình luận cho bài viết

Nhận xét

Có thể bạn quan tâm

Thuyết minh “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” – Nguyễn Dữ

I. Thuyết minh Chuyện chức phán sự đền Tản Viên loading... “Truyền kì mạn lục” …