Đề bài:

loading...

Từ cảm nhận về đoạn thơ sau, anh/chị hãy làm rõ cách vận dụng sáng tạo chất liệu văn hoá dân gian của nhà thơ:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…

(Đất Nước – trích Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm – Ngữ văn 12 – Tập 1)

Gợi ý làm bài

1. Vài nét về tác giả, tác phẩm

– Nguyễn Khoa Điềm là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời chống Mĩ. Thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện tâm tư của người trí thức tích cực tham gia cuộc kháng chiến của dân tộc.

– Trường ca Mặt đường khát vọng được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị – Thiên năm 1971, in lần đầu năm 1974. Đoạn trích Đất Nước thuộc phần đầu, chương V, thể hiện tư tưởng Đất Nước của Nhân dân.

2. Cảm nhận về đoạn thơ

a. Nội dung

– Sự hình thành Đất Nước gắn liền với sự hình thành văn hóa, phong tục, tập quán, lối sống của nhân dân.

– Sự hình thành Đất Nước còn gắn liền với truyền thống lao động cần cù, vất vả một nắng hai sương và truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

– Cách cảm nhận ấy làm cho Đất Nước trở nên gần gũi, bình dị, thân thuộc. Đất Nước không xa lạ, trừu tượng mà hóa thân trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta.

b. Nghệ thuật

– Thể thơ tự do với những câu thơ dài ngắn khác nhau bộc lộ cảm xúc một cách tự nhiên. Giọng điệu thủ thỉ tâm tình, tự hào, sâu lắng. Chất liệu văn hóa dân gian và bút pháp chính luận trữ tình thể hiện sâu sắc tư tưởng Đất Nước của Nhân dân.

– Ngôn ngữ giản dị gợi tình cảm gia đình ruột thịt thân thương. Hình ảnh quen thuộc gần gũi với cuộc sống thường nhật nhưng có khả năng gợi liên tưởng xúc động, sâu xa. Biện pháp điệp từ kết hợp với cách viết hoa danh từ Đất Nước vừa mang sắc thái trang trọng vừa góp phần khẳng định sự hiện diện của Đất Nước trong muôn mặt đời thường.

3. Cách vận dụng sáng tạo chất liệu văn hoá dân gian

– Chất liệu dân gian được vận dụng rất đa dạng, từ văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt, lối sống, những vật dụng quen thuộc đến ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, cổ tích…

– Cách vận dụng của tác giả thường chỉ gợi ra bằng một vài từ của một câu ca dao hay một hình ảnh, một chi tiết tạo ra một thế giới nghệ thuật vừa gần gũi thân quen, vừa bay bổng, mĩ lệ.

4. Đánh giá chung

Đoạn trích thể hiện đặc điểm thơ Nguyễn Khoa Điềm: Kết hợp chính luận và trữ tình, suy tưởng và cảm xúc; qua đó, thể hiện những suy nghĩ, phát hiện sâu sắc về Đất Nước trong sự tiếp nối mạch nguồn của thơ ca truyền thống.