Trả lời:

loading...

“Vợ nhặt” – Kim Lân có một chi tiết khá ấn tượng: Đó là nồi cháo cám mà bà cụ Tứ chuẩn bị để đón cô dâu mới vào buổi sáng đầu tiên khi Tràng đưa người Vợ nhặt về nhà. Đây là một chi tiết bi thảm song ấm áp tình người.

Bữa cơm ngày đói thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có một lùm lùm rau chuối thái rối ăn với muối. Niêu cháo lõng bõng cuối bữa ăn, người mẹ bưng lên nồi cháo cám với thái độ đon đả “Chè khoán đây! ngon đáo để cơ…”.

Chi tiết về nồi cháo cám đã thể hiện tình cảnh thê thảm của con người trong nạn đói. Cái đói đã đẩy con người vào cảnh cùng cực phải ăn cả những thức ăn của loài vật. Miếng cháo cám chát xít, nghẹn bứ trong cổ phần nào nói lên nỗi tủi hờn về thân phận con người.

Mặt khác, chi tiết nồi cháo cám còn thể hiện tình người đầm ấm và khát vọng sống mãnh liệt của con người.Trong những ngày đói khát ghê gớm, người mẹ đã cố gắng chuẩn bị bữa cơm đón cô dâu mới hai lưng cháu lõng bõng không đủ no lòng. Nồi cháo cám là sự gắng gỏi của người mẹ phụ thêm vào xuất ăn ít ỏi của mỗi người, là biểu hiện của tình yêu thương ở người mẹ đối với những đứa con. Nó chứng tỏ rằng: cho dù phải đẩy vào hoàn cảnh phải ăn thức ăn của loài vật thì người lao động vẫn yêu thương đùm bọc lẫn nhau, vẫn khát khao sống, vẫn không thôi hy vọng vào ngày mai. Chính tình thương yêu và niềm khát khao sống sẽ giúp họ vượt lên cái đói, cái chết để tin yêu và hy vọng.

Chi tiết nồi cháo cám đã giúp Kim Lân khẳng định một cách cảm động tâm hồn khoẻ khoắn của người lao động: “Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến cái sống”.