Home / Văn mẫu / Lớp 12 / Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi

Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi

Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi

loading...

GỢI Ý LÀM BÀI

1.Giới thiệu tác phẩm và nhân vật:

Những đứa con trong gia đình được nhà văn Nguyễn Thi sáng tác vào năm 1966, in trong tập Truyện và kí xuất bản năm 1978.

Nhà văn kể chuyện nhân vật Việt trong một trận đánh đã bị thương, lạc đơn vị, phải nằm lại ở chiến trường. Trong những cơn mê, tỉnh đứt nối, Việt nhớ lại những ngày còn ở nhà, nhớ kỉ niệm ấu thơ… Sau cùng đơn vị đã tìm gặp việt và đưa anh về chữa trị vết thương.

Truyện kết cấu theo dòng ý thức của nhân vật. Nhờ kết cấu này mà truyện hết sức hấp dẫn. Dòng hồi ức hiện về đến đâu thì tính tình, tình cảm và ý chí của Việt hiên lên đến đó.

2. Phân tích hình tượng nhân vật Việt:

a. Tính tình ngây thơ, hồn nhiên đến ngộ nghĩnh, thú vị

– Việt là một chiến sĩ trẻ, chưa qua tuổi mười tám. Ở Việt vẫn còn giữ những nét hồn nhiên của một chàng trai mới lớn ( đi đánh giặc vẫn mang theo cái ná thun)

– Bị thương nặng đến đêm thứ hai, trong bóng đêm vắng lặng và lạnh lẽo, Việt không sợ chết mà chỉ sợ bóng đêm và sợ ma.

– Việt rất yêu thương chị Chiến, nhưng lại hay tranh giành hơn thua với chị. Việt giành phần hơn từ những đêm soi ếch ngoài ruộng đến việc lập chiến công bắn tàu Mĩ trên sông Định Thủy.

– Đêm mít tinh ghi tên tòng quân, hai chị em cũng tranh giành nhau đi bộ đội đến ồn ào mà cũng thật cảm động.

– Ở đơn vị Việt rất yêu quý đồng đội, nhưng lại không nói cho đồng đội biết là mình có chị. “Việt giấu chị như giấu của riêng vậy. Cậu sợ mất chị mà”.

b. Việt rất giàu tình cảm, yêu thương gia đình sâu đậm

– Tình cảm của Việt đối với chị:

+ Mẹ mất, chị Chiến trở thành chỗ dựa tinh thần của Việt. Chị hết lòng chăm sóc Việt, nên Việt yêu thương chị hết lòng. Và Việt còn thương chị vì “chị giống in như má”.

+ Lúc hai chị em khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm để ngày mai lên đường nhập ngũ “ Việt thấy thương chị lạ”.

– Tình cảm của Việt dành cho chú Năm:

+ Việt rất thương chú Năm. Tình cảm đó có từ ngày Việt còn nhỏ.

+ Việt thương chú Năm vì chú hay bênh Việt

+ Chú thường hay hò mỗi khi kể về gia đình hay chiến công của mảnh đất này. Qua tiếng hò chú thường gửi gắm ý nghĩa câu hò vào trí tưởng tượng, tâm hồn của Việt bằng tất cả tình yêu thương đứa cháu của chú.

– Tình cảm của Việt đối với mẹ:

+ Mẹ luôn hiện hữu trong kí ức của Việt. Trong cái đêm thiêng liêng, hai chị em bàn tính thu xếp chuyện gia đình, Việt thấy “ hình như má cũng đã về đâu đây…”.Trong lúc bị thương trơ trọi giữa chiến trường, hình ảnh người mẹ thương yêu mãi chập chờn ẩn hiện trong Việt. Việt hồi tưởng về mẹ với bao kỉ niệm chua xót lẫn ngọt ngào.

+ Việt thương má, bởi má cả cuộc đời vất vả, thầm lặng hi sinh, lặng lẽ chịu đựng mọi gian lao, đau khổ trong đời để. Suốt đời má Việt chở che cho đàn con và tranh đấu.

+ Việt yêu quý má vô hạn, bởi má bao giờ cũng chăm chút ân tình đối với gia đình và đối với Việt. Nghĩ đến điều đó, Việt thèm muốn ước ao “ ước gì bây giờ mình được gặp má”.

c. Việt chiến đấu dũng cảm và tính cách anh hùng:

– Việt- đứa con của một gia đình có truyền thống cách mạng, yêu nước và căm thù giặc sâu sắc”

+ Việt sinh ra, lớn lên và được nuôi dưỡng trong một gia đình có truyền thống yêu nước, gắn bó với cách mạng.

+ Ông nội, chú Năm đến ba của Việt đều tham gia kháng chiến và hi sinh.

+ Chính mối thù nhà là động lực tinh thần mạnh mẽ và tình thương những con người ruột thịt đã thôi thúc Việt chiến đấu ngoan cường và dũng cảm. Chính có sự thừa hưởng truyền thống yêu nước và cách mạng của gia đình mà trong Việt đã hình thành ý thức chiến đấu bất khuất từ rất sớm.

– Việt- người chiến sĩ trẻ anh hùng vượt lên thực tại thương tích khi lạc đồng đội:

+ Giữa trận đánh, Việt bị thương nặng, mất liên lạc với đồng đội, trơ trọi một thân một mình, chịu khát chịu đói, mình đầy thương tích, Việt vẫn can đảm chịu đựng.

+ Khắp người Việt không chỗ nào không thương tích.

– Việt luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu:

+ Dù thương tích, dù lúc tỉnh lúc mê, Việt vẫn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu mỗi khi choàng tỉnh.

+ Tỉnh dậy lần thứ tư giữa đêm sâu thẳm, nghe tiếng súng của đồng đội từ nơi xa, Việt cố gắng bò về hướng đó.

+ Cuối cùng đồng đội đã tìm được Việt. Dù kiệt sức, Việt vẫn giữ tư thế sẵn sàng chiến đấu sinh tử với kẻ thù.

3
. Đánh giá:

– Nhân vật Việt trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi là một nhân vật có tính cách độc đáo. Việt vừa là một con người hồn nhiên, ngây thơ, vừa là một người con, người cháu và người em tình nghĩa, vừa là một chiến sĩ trẻ gan dạ, anh hùng, ý thức chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để trả thù nhà đền nợ nước. Việt là khúc sông vươn xa hơn trong dòng sông truyền thống của gia đình.

– Nét đặc sắc của Nguyễn Thi khi xây dựng nhân vật này là ở chỗ: nhà văn không bọc nhân vật mình trong những sắc màu tráng lệ, ngôn ngữ hoa mĩ mà bằng những chi tiết sống thực, hồn nhiên đến cảm động và ngôn ngữ mang màu sắc Nam bộ giản dị. Phải chăng đó là tình yêu con người và mảnh đất Nam Bộ thành đồng của nhà văn.

Bình luận cho bài viết

Nhận xét

Có thể bạn quan tâm

Cuối đoạn trích Những đứa con trong gia đình là những hình ảnh nào? Ý nghĩa

a. Hình ảnh cuối đoạn trích: “Chị Chiến đứng ra giữa sân, kéo cái khăn …